Nuôi thú cưng, nhiều người nổi mề đay, ngứa

[ad_1]
Nhiều người bị dị ứng sau khi tiếp xúc với thú cưng - Ảnh: THU HIẾN

Nhiều người bị dị ứng sau khi tiếp xúc với thú cưng - Ảnh: THU HIẾN

Nổi mề đay 4 tháng vì dị ứng

Mới đây N.T.L. (24 tuổi, TP.HCM) đến Bệnh viện Đại học Y Dược (TP.HCM) cơ sở 3 thăm khám vì bị dị ứng với thú cưng.

Chị L. thường xuyên bị ngứa mũi và mắt, chảy nước mũi, thỉnh thoảng nổi mề đay hai tay. Triệu chứng lặp đi lặp lại hơn bốn tháng nay.

Trước đó, chị L. chưa ghi nhận dị ứng với thức ăn hay thuốc. Gần đây áp lực công việc, lại ở một mình nên có mua hai chú chó con về để bầu bạn.

Từ ngày chăm sóc hai chú chó, các triệu chứng ngứa mắt và mũi, mề đay xuất hiện thường xuyên.

Các bác sĩ đã làm một số cận lâm sàng, kết quả cho thấy chị L. dị ứng với các biểu mô trên lông chó và may mắn không nhiễm ký sinh trùng giun đũa chó.

Bệnh này thường gặp ở những người hay nuôi thú cưng.

Nguyên nhân là do trên lông thú cưng thường chứa các tế bào chết trên da, ngoài ra có thể dính nước bọt, nước tiểu của chúng. Đây là các dị nguyên gây các triệu chứng dị ứng của người bệnh.

Chị L. được chỉ định sử dụng thuốc kháng histamin để giảm bớt các triệu chứng. Song song đó, bác sĩ hướng dẫn chăm sóc thú cưng đúng cách.

Sau quá trình điều trị, chị L. cho biết các triệu chứng dị ứng thuyên giảm đáng kể, đời sống tinh thần cũng cải thiện nhiều.

Dị ứng thú cưng có thể gây cơn hen

Các bác sĩ cho hay, nhiều người bị dị ứng động vật, đặc biệt là những người có bệnh dị ứng hoặc hen suyễn. Thống kê cho thấy có từ 10 - 20% dân số thế giới bị dị ứng với chó, mèo.

Th.S Huỳnh Võ Quốc Kha, phòng khám dị ứng miễn dịch Bệnh viện Đại học Y Dược (TP.HCM) cơ sở 3, cho hay bất kể loài vật nuôi nào đều có thể gây dị ứng. Thường thì dị ứng với thú cưng có lông như mèo, chó, thỏ, chuột hamster... là phổ biến hơn.

Khi bị dị ứng, cơ thể không phản ứng với lông của thú cưng mà phản ứng với protein trong lớp vảy da (tế bào da chết), nước bọt hoặc nước tiểu bám trên lông thú cưng.

Ngoài ra lông cũng có thể mang các tác nhân gây dị ứng khác như bụi nhà, nấm mốc và phấn hoa. Tiếp xúc với đường hô hấp, mắt, mũi, miệng hoặc da sẽ gặp các triệu chứng dị ứng.

Bác sĩ Kha cho hay dị ứng thú cưng cũng có thể gây cơn hen. Mức độ nhạy cảm đối với các tác nhân gây dị ứng trên lông thú cưng có thể khác nhau ở mỗi người.

Một số người có triệu chứng rất nhẹ, trong khi người khác có triệu chứng nặng hơn. Nếu nồng độ tác nhân gây dị ứng thấp, các triệu chứng có thể xuất hiện sau vài ngày tiếp xúc với thú cưng.

Các triệu chứng dị ứng với thú cưng thường gặp như: ngứa mắt và mũi, nghẹt mũi, hắt hơi, chảy nước mũi, đỏ mắt, ho, nổi mề đay. Ngoài ra, có thể kèm theo các triệu chứng khác như gián đoạn giấc ngủ, mệt mỏi, ngứa vòm họng, bứt rứt.

"Cách phòng ngừa hiệu quả nhất là tránh tiếp xúc với thú cưng. Tuy nhiên, điều này thực sự khó khăn với những người trẻ tuổi yêu thương động vật. Nếu các triệu chứng dị ứng có thể được kiểm soát tốt, chúng ta vẫn có thể tiếp tục nuôi thú cưng của mình", bác sĩ Kha cho hay.

Theo bác sĩ Kha, dưới đây là một số biện pháp giúp kiểm soát dị ứng từ thú cưng một cách hiệu quả:

- Luôn rửa tay và mặt sau khi vuốt ve hoặc tiếp xúc với thú cưng, lồng và các vật dụng mà thú cưng thường tiếp xúc. Những đồ vật làm từ vải dễ lưu giữ các dị ứng nguyên hơn.

- Đồng thời, hạn chế thú cưng tiếp cận khu vực phòng ngủ, khi tắm rửa hoặc chải lông cho thú cưng hãy đeo khẩu trang và găng tay.

Nên thường xuyên vệ sinh các vật dụng của thú cưng cũng như các đồ đạc trong nhà. Cân nhắc sử dụng máy lọc không khí để loại bỏ các dị ứng nguyên có thể có trong không khí.

Bác sĩ Kha cũng khuyến cáo: "Dị ứng có thể xuất hiện bất kỳ lúc nào, kể cả khi trước đó người nuôi thú cưng không ghi nhận bất kỳ dị ứng nào với động vật. Nếu gặp các triệu chứng dị ứng sau khi tiếp xúc với thú cưng của mình, nên tìm gặp bác sĩ".

[ad_2] Nguồn: Tuổi trẻ https://tinytedanang.com/nuoi-thu-cung-nhieu-nguoi-noi-me-day-ngua/?feed_id=1108&_unique_id=64688c0211b0f