3 thời điểm cha mẹ trò chuyện với con về hành vi tự hại bản thân

[ad_1]

GD&TĐ - Hành vi tự hại bản thân hoặc những hành vi tiêu cực chúng ta chứng kiến trong thế giới sức khỏe tâm thần đang ngày càng phổ biến.

Nghiên cứu cho thấy, có tới 20% thanh thiếu niên tham gia vào những hành vi này. Tự hại bản thân có xu hướng bắt đầu ở độ tuổi từ 13 đến 14.

Hầu hết các chuyên gia đều đồng ý rằng, chủ đề tự hại bản thân không phải là điều các bậc cha mẹ nên bỏ qua, đặc biệt nếu họ nghi ngờ con mình có nguy cơ tự gây thương tích.

Laurie Singer, nhà trị liệu tâm lý tại Hoa Kỳ cho biết: “Nhiều đứa trẻ mà tôi làm việc cùng đã tự hại bản thân trong nhiều năm, nhưng cha mẹ chúng không bao giờ nhận ra”.

Dưới đây là cách các chuyên gia sức khỏe tâm thần gợi ý cha mẹ trò chuyện với con về chủ đề tự hại bản thân dựa trên độ tuổi của chúng.

Trò chuyện với trẻ mẫu giáo

3 thời điểm cha mẹ trò chuyện với con về hành vi tự hại bản thân ảnh 1
Tốt nhất cha mẹ nên nêu chủ đề này nhiều lần để con có thời gian suy nghĩ và xử lý phản ứng của chính mình. (Ảnh: ITN).

Trẻ mẫu giáo có thể không hiểu khái niệm tự làm hại bản thân, vì vậy bạn cần cân nhắc lựa chọn từ ngữ của mình và đưa ra các thuật ngữ phù hợp với lứa tuổi.

Ví dụ, bạn có thể bày tỏ ý kiến với con, cho rằng đôi khi người ta tự làm đau mình khi buồn bực, chẳng hạn như bạn cùng lớp đập đầu vào tường hoặc tự giật tóc mình.

Giải thích với con rằng có nhiều cách khác để đối phó với những cảm xúc này hơn là làm tổn thương chính mình. Sau đó, cùng con bàn về các chiến lược để đối phó với cảm xúc một cách lành mạnh.

Singer nói: “Với trẻ mẫu giáo, tôi khuyên bạn nên bắt đầu với những cuộc trò chuyện cơ bản về cảm xúc - chúng ta cảm thấy gì và chúng ta cảm thấy điều đó trong cơ thể mình như thế nào, cách chúng ta thể hiện cảm xúc và cố gắng kiểm soát cảm xúc theo những cách khác nhau.

Cha mẹ nhất định phải trung thực với con - không bao giờ nói dối hoặc che giấu thông tin, ngay cả khi con còn nhỏ. Điều này không có nghĩa là bạn làm chúng sợ hãi hoặc cung cấp nhiều hơn những gì chúng cần biết, nhưng bạn không nên che chở chúng quá mức.

Singer cho biết: “Việc cha mẹ cung cấp thông tin chính xác và hữu ích (theo cách phù hợp với lứa tuổi) sẽ hiệu quả hơn nhiều”.

Điều bạn có thể tạo ra sự khác biệt lớn nhất ở độ tuổi này là dạy con cách xử lý những cảm xúc như buồn bã, tức giận, cô đơn và thất vọng. Ngoài ra, hãy cho chúng biết rằng cảm xúc là một phần của con người.

Trò chuyện với học sinh tiểu học

Vào thời điểm con bạn học cấp 1, chúng có thể đã nghe về việc tự hại bản thân trên tin tức, trên Internet hoặc qua một người bạn.

Singer nói: “Nếu bạn muốn đánh giá nhận thức của trẻ về hành vi tự hại bản thân, hãy tiếp cận chủ đề với sự tò mò và đặt câu hỏi. Chọn thời gian và địa điểm mà bạn biết con mình cảm thấy thoải mái khi nói chuyện về chủ đề này, chẳng hạn như trong bữa ăn gia đình hoặc khi đón về con sau giờ học”.

Tốt nhất cha mẹ nên nêu chủ đề này nhiều lần để con có thời gian suy nghĩ và xử lý phản ứng của chính mình. Sử dụng các thuật ngữ mà con bạn có thể hiểu và thảo luận về hành vi tự hại bản thân một cách quan tâm và không phán xét.

“Bạn nên nói với con rằng một số người tự làm hại bản thân vì họ không biết cách quản lý những gì họ đang cảm thấy bên trong. Sau đó, thảo luận về cách bạn và con có thể đối phó với những cảm xúc khó chịu theo xu hướng lành mạnh hơn, chẳng hạn như hít thở sâu hoặc đi dạo trong công viên”.

Với học sinh tiểu học, Singer khuyến nghị các bậc cha mẹ nên thiết lập thói quen hỏi con cái chúng cảm thấy thế nào về những gì chúng nghe hoặc học được ở trường. Làm như vậy có thể mở ra cánh cửa cho một cuộc trò chuyện sâu sắc hơn. Nó cũng cho phép cha mẹ đánh giá cảm giác của con và sớm nhận ra những vấn đề cần được giải quyết.

Trò chuyện với trẻ vị thành niên

3 thời điểm cha mẹ trò chuyện với con về hành vi tự hại bản thân ảnh 2
Tự hại bản thân có xu hướng bắt đầu ở độ tuổi từ 13 đến 14. (Ảnh: ITN).

Khi con bạn ở độ tuổi thiếu niên, chúng có thể đã quen với việc tự làm hại bản thân. Chúng thậm chí có thể đã tìm hiểu về hành vi này. Do đó, khi nói chuyện với con về chủ đề này, hãy hạn chế giảng giải và phán xét. Thay vào đó, cố gắng bình tĩnh và trò chuyện. Tốt nhất nên bắt đầu với sự tò mò và đặt câu hỏi.

Ngoài ra, hãy tích cực lắng nghe những gì con bạn đang nói, tránh ngắt lời chúng và để chúng nói thoải mái mà không phản ứng lại, Singer nói: “Cách tiếp cận này đặc biệt quan trọng nếu con bạn đã nghĩ đến việc tự hại bản thân hoặc nếu chúng thừa nhận việc tự làm hại mình”.

Phần quan trọng nhất của bất kỳ cuộc trò chuyện nào giữa cha mẹ và con cái là phải luôn truyền đạt sự quan tâm và yêu thương.

Suy cho cùng, trẻ nên được học hỏi từ cha mẹ về những nguy cơ tự hại bản thân. Điều này luôn tốt hơn là để chúng học hỏi từ bạn bè và tự tìm hiểu trên mạng xã hội.

Theo verywellfamily.com

[ad_2] Nguồn: Giáo dục thời đại https://tinytedanang.com/3-thoi-diem-cha-me-tro-chuyen-voi-con-ve-hanh-vi-tu-hai-ban-than/?feed_id=12966&_unique_id=651821e9dec7d