30% tử vong không phải do khối u
Theo ước tính của PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn (Bệnh viện Trung ương Quân đội 108), 70% bệnh nhân ung thư bị sụt cân, 30% chết vì suy kiệt chứ không phải do khối u.
Tại Việt Nam, theo số liệu năm 2020, ung thư dạ dày đứng hàng thứ 4 trong các bệnh ung thư thường gặp với 17.902 ca mắc mới và 14.615 ca tử vong, cứ 100.000 người sẽ có hơn 24 người mắc ung thư dạ dày.
PGS Tuấn cho biết thêm trong những năm gần đây, bệnh viện tiếp nhận nhiều bệnh nhân ung thư dạ dày, do ung thư dạ dày không có biểu hiện ở những giai đoạn đầu nên khi bệnh nhân đến thăm khám đang ở giai đoạn 2, giai đoạn 3 và chủ yếu là giai đoạn muộn.
Trong quá trình thăm khám, có bệnh nhân mắc ung thư dạ dày khi còn khá trẻ, đến khám do buồn nôn, đau tức vùng thượng vị, rối loạn tiêu hóa kèm theo gầy và sút cân nhanh.
Kết quả nội soi dạ dày có khối u sùi loét vùng hang vị, nghi ngờ ung thư. Sinh thiết là ung thư tế bào nhẫn dạ dày. Bệnh nhân được chụp chiếu, đánh giá tổng quát, đã phát hiện di căn gan, phổi, bệnh ở giai đoạn muộn.
Khi nhận được kết quả ung thư dạ dày giai đoạn muộn, bệnh nhân hết sức bàng hoàng. Vì trước đó sức khỏe hoàn toàn bình thường, chỉ thấy đau tức bụng và sút cân nên đi khám.
Tâm lý bất ổn giết chết người bệnh
Từ khi nhận được kết quả, bệnh nhân rơi vào trạng thái tâm lý bất ổn, thường xuyên cáu gắt, tự nhốt mình trong không gian hẹp, mất ngủ triền miên. Từ đó kéo theo thể trạng ngày càng tồi tệ, khiến cho việc điều trị để kéo dài sự sống gặp nhiều khó khăn.
PGS Nguyễn Anh Tuấn cho biết thêm cũng như tất cả các bệnh nhân ung thư khác, ung thư dạ dày được phát hiện ở giai đoạn muộn thì kéo theo độ ác tính càng cao.
Bệnh nhân mắc ung thư dạ dày loại tế bào nhẫn đáp ứng với điều trị hóa chất cũng không cao. Thêm vào đó là thể trạng luôn trong trạng thái suy kiệt. Do vậy, sau 5 tháng dù được bác sĩ tích cực hết lòng cứu chữa nhưng bệnh nhân không qua khỏi.
Qua quá trình điều trị, ông Tuấn đánh giá người bị ung thư dạ dày thường gầy sút rất nhanh và một tỉ lệ đáng kể tử vong trong tình trạng suy kiệt vì nhiều lý do khác nhau:
Sự suy giảm chức năng tiêu hóa: Khối u ung thư dạ dày có thể gây ra rối loạn tiêu hóa và gây ra các triệu chứng như buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy hoặc táo bón. Khi tiêu hóa bị ảnh hưởng, cơ thể không thể hấp thụ đủ chất dinh dưỡng cần thiết, dẫn đến suy dinh dưỡng.
Sự tiêu hao năng lượng: Cơ thể người bệnh sử dụng năng lượng để chiến đấu với khối u và tác động của chế độ điều trị, nhưng khối u cũng sử dụng năng lượng của cơ thể. Điều này dẫn đến sự tiêu hao năng lượng và cơ thể không còn đủ năng lượng để duy trì các chức năng cơ bản.
Sự tạo ra chất độc hại: Các tế bào ung thư dạ dày có thể tạo ra các chất độc hại, gây ra các vấn đề sức khỏe và làm suy giảm chức năng của các cơ quan trong cơ thể.
Tác động của điều trị: Các phương pháp điều trị như hóa trị và xạ trị có thể gây ra các tác dụng phụ như mệt mỏi, buồn nôn, tiêu chảy và suy dinh dưỡng, gây ảnh hưởng đến sức khỏe chung của người bệnh.
Nhiễm trùng: Người bệnh ung thư dạ dày có thể dễ bị nhiễm trùng do hệ miễn dịch yếu và tác động của điều trị.
Đặc biệt, khi nghe nói mình mắc bệnh ung thư, hầu hết bệnh nhân suy sụp tinh thần, thậm chí không thiết ăn uống vì nghĩ mình sắp chết.
"Với nhiều loại ung thư, nếu bệnh được phát hiện ở giai đoạn sớm thì tỉ lệ kéo dài sự sống hoặc được chữa gần như khỏi bệnh là rất lớn như: ung thư da tế bào đáy, ung thư cổ tử cung, ung thư dạ dày...
Điều quan trọng nhất để trị bệnh hiệu quả là bệnh nhân phải giữ tâm lý vững vàng, tuân thủ phương pháp điều trị của bác sĩ, thay đổi lối sống theo hướng tích cực và duy trì chế độ ăn uống khoa học", PGS Tuấn nhấn mạnh
Đừng chết vì suy kiệt
Các chuyên gia đều khẳng định mắc ung thư không phải là dấu chấm hết. Quan trọng là bệnh nhân không được bỏ dở lộ trình điều trị của bác sĩ để chạy theo những cách chữa bệnh chưa được kiểm chứng.
Người bệnh có thể được chữa khỏi ung thư hoặc kéo dài sự sống nếu được điều trị tích cực ngay từ khi phát hiện bệnh. Bên cạnh đó, ý chí của bệnh nhân cũng hỗ trợ phần lớn cho công cuộc điều trị bệnh lý.
Đáng lưu ý, chế độ dinh dưỡng rất quan trọng trong điều trị ung thư, vậy nên việc người bệnh chọn cách nhịn ăn hoặc kiêng để "giết khối u" là sai lầm. Việc lơ là dinh dưỡng, nhịn ăn càng khiến cơ thể bị suy kiệt nhanh hơn.
Một nghiên cứu của Đại học Y Hà Nội về "Tình trạng dinh dưỡng và chất lượng cuộc sống của người bệnh ung thư đường tiêu hóa" cho thấy: người bệnh có tình trạng dinh dưỡng tốt và tinh thần thoải mái thì điểm đau và các triệu chứng mệt mỏi, buồn nôn, nôn, rối loạn giấc ngủ... thấp hơn người bệnh suy dinh dưỡng.