Tin tức sáng 15-8: Bắt đầu áp dụng giá dịch vụ y tế theo yêu cầu, giá giường tối đa 4 triệu/ngày

[ad_1]
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên trong một dịp tặng quà các bạn nhỏ - Ảnh: THANH HIỆP

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên trong một dịp tặng quà các bạn nhỏ - Ảnh: THANH HIỆP

Bí thư Thành ủy TP.HCM dự "ngày hội việc làm" ngành y tế

Ngày hội việc làm lần đầu tiên của ngành y tế TP.HCM sẽ chính thức tổ chức vào sáng nay (15-8) tại Bệnh viện Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp (quận 8, TP.HCM). Tham dự có Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cùng đại diện các cơ sở y tế và y bác sĩ trẻ.

Đây là "ngày hội việc làm" dành riêng cho các bác sĩ trẻ vừa hoàn thành khóa đầu tiên của chương trình thực hành tại bệnh viện đa khoa gắn với trạm y tế.

Ông Tăng Chí Thượng - giám đốc Sở Y tế TP.HCM - cho biết chương trình nhận được sự tham gia, đăng ký từ rất nhiều cơ sở y tế, tính đến sáng 14-8 có đến 28 bệnh viện tuyến thành phố, 13 bệnh viện tuyến quận, huyện và 22 trung tâm y tế, nhu cầu tiếp nhận của cơ sở y tế vượt xa số bác sĩ tham gia chương trình là 290 bác sĩ.

Trước đó, cách đây 18 tháng, vào ngày 27-2-2022, hơn 290 bác sĩ trẻ của Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch xuất quân về y tế cơ sở thông qua chương trình thí điểm thực hành 18 tháng tại bệnh viện gắn liền với trạm y tế.

Hôm nay, hai bộ trưởng "đăng đàn" trả lời chất vấn Thường vụ Quốc hội

Hôm nay (15-8), theo chương trình, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chất vấn Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan.

Với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực trách nhiệm của Bộ Tư pháp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chất vấn về việc thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.

Giải pháp nâng cao chất lượng hệ thống pháp luật, giải pháp kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật; Thực trạng và giải pháp khắc phục hạn chế, bất cập, nâng cao hiệu quả công tác đấu giá tài sản, giám định tư pháp…

Với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu nông sản (thị trường đầu ra bị thu hẹp, nhiều doanh nghiệp không có đơn hàng, một số mặt hàng nông sản chủ lực bị rớt giá, thu nhập, đời sống của người nông dân bị ảnh hưởng...);

Việc chuyển đổi mục đích sử dụng, thu hồi diện tích đất trồng lúa, bảo đảm an ninh lương thực và xuất khẩu gạo là vấn đề được quan tâm.

Trái bưởi đạt tiêu chuẩn OCOP của TP.HCM - Ảnh: N.TRÍ

Trái bưởi đạt tiêu chuẩn OCOP của TP.HCM - Ảnh: N.TRÍ

Sản phẩm OCOP TP.HCM gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ

Ngày 14-8, phát biểu tại lễ ký kết thỏa thuận hợp tác xây dựng Chương trình 1.000 câu chuyện sản phẩm OCOP - Thương hiệu nông sản Cần Giờ - Sàn giao dịch thịt heo TP.HCM, ông Phạm Hữu Hoài Phú, phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM, cho biết việc xây dựng thương hiệu, tăng số lượng cho sản phẩm OCOP (mỗi xã một sản phẩm) hiện còn khó khăn, hạn chế vì quan điểm bó hẹp trong xã, phường. 

Cả nước có khoảng 10.000 sản phẩm được chứng nhận OCOP, tính ra mỗi địa phương trung bình 161 sản phẩm, nhưng TP.HCM hiện chỉ có 66 sản phẩm.

"Nếu sản phẩm đặc sản, nông nghiệp không được chứng nhận về chất lượng, xây dựng mạnh thương hiệu thì chỉ quanh quẩn ở chợ truyền thống chứ không thể đi xa, xuất khẩu được. Do đó, TP đang và sẽ tìm nhiều giải pháp để tăng lượng và chất cho sản phẩm OCOP. Từ nay đến cuối năm, TP sẽ có thêm hơn 100 sản phẩm được chứng nhận OCOP", ông Phú thông tin.

Tương tự, tại buổi lễ, đại diện Sở Công Thương Đồng Tháp cho biết tỉnh có 357 sản phẩm được chứng nhận OCOP, trong đó 75% được kinh doanh trên sàn thương mại điện tử. Tuy nhiên, hiện doanh số bán hàng còn ở mức khá thấp. Nguyên nhân do các chủ OCOP thường là doanh nghiệp siêu nhỏ, nông hộ nên việc tiếp cận công nghệ, đầu tư xây dựng thương hiệu, truyền thông... chưa đạt như mong muốn. 

TP.HCM phát hiện một số phòng khám không phép, y sĩ không chứng chỉ

Tối 14-8, Thanh tra Sở Y tế TP.HCM vừa công bố danh sách xử phạt mới nhất đối với một số công ty và cá nhân trên địa bàn TP vì vi phạm quy định khám chữa bệnh.

Theo đó, thanh tra sở phát hiện Công ty TNHH Thẩm mỹ JW By Asian Luxury Beauty Clinic (chăm sóc da, số 57 đường 3 Tháng 2, phường 11, quận 10) cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh mà không có giấy phép hoạt động.

Ngoài ra, công ty này đã quảng cáo các sản phẩm hàng hóa dịch vụ đặc biệt mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo theo quy định.

Với các sai phạm này, Công ty TNHH Thẩm mỹ JW By Asian Luxury Beauty Clinic bị phạt 135 triệu đồng và bị đình chỉ hoạt động cho đến khi đầy đủ hồ sơ pháp lý liên quan đến khám chữa bệnh, cũng như buộc tháo gỡ, xóa quảng cáo.

Do cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh mà không có giấy phép hoạt động, Công ty TNHH Nha Quốc Khánh (nha khoa, số 158 Nguyễn Văn Nghi, phường 5, quận Gò Vấp) bị phạt 90 triệu đồng và đình chỉ hoạt động cho đến khi đầy đủ hồ sơ pháp lý liên quan đến hoạt động khám chữa bệnh.

Tại địa chỉ này, thanh tra sở phát hiện y sĩ Trần Quốc Khánh thực hiện khám chữa bệnh khi chưa được cấp chứng chỉ hành nghề. Ông Khánh đã bị phạt 46,2 triệu đồng và buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp là 11,2 triệu đồng có được do thực hiện hành vi vi phạm.

Bắt đầu áp dụng giá dịch vụ y tế theo yêu cầu mới

Sau nhiều năm chuẩn bị, từ hôm nay 15-8, mức giá dịch vụ y tế theo yêu cầu mới chính thức được áp dụng. 

Theo đó, khung giá dịch vụ khám bệnh theo yêu cầu tại bệnh viện hạng đặc biệt, hạng 1 tối thiểu là 100.000 đồng/lượt và tối đa 500.000 đồng/lượt. Đối với các cơ sở khám, chữa bệnh khác giá tối thiểu là 30.500 đồng và tối đa là 300.000 đồng/lượt.

Riêng trường hợp mời nhân lực trong nước, nước ngoài đến khám, tư vấn sức khỏe, đơn vị được thu theo giá thỏa thuận giữa cơ sở khám chữa bệnh và người sử dụng dịch vụ.

Giá một số dịch vụ y tế có giá lớn khác như: siêu âm Doppler màu tim 4D giá không vượt quá 826.000 đồng/lượt; chụp CT 32 dãy có thuốc cản quang giá không vượt quá 1.584.000 đồng/lượt; chụp CT Scanner từ 262 dãy trở lên có thuốc cản quang giá không vượt quá 5.250.000 đồng/lượt; chụp động mạch vành hoặc thông tim chụp buồng tim dưới DSA giá không vượt quá 10.150.000 đồng/lượt; chụp nút dị dạng và can thiệp các bệnh lý mạch thần kinh dưới DSA giá không vượt quá 23.111.000 đồng/lượt; chụp cộng hưởng từ (MRI) có thuốc cản quang giá không vượt quá 3.701.000 đồng/lượt; 

Giá giường bệnh tối thiểu 180.000 đồng/ngày giường, tối đa 4 triệu đồng/ngày giường.

Theo khảo sát của Tuổi Trẻ Online, các cơ sở y tế đã chờ đợi khung giá dịch vụ theo yêu cầu này nhiều năm qua nhưng Bộ Y tế lại chậm ban hành. Vì chưa có khung giá, trước đây giá dịch vụ theo yêu cầu mỗi nơi mỗi khác và có nhiều cơ sở y tế áp dụng mức giá cao hơn khung giá đã ban hành kể trên.

Tin tức đáng chú ý trên Tuổi Trẻ nhật báo ngày 15-8. Để đọc Tuổi Trẻ báo in phiên bản E-paper, mời bạn đăng ký Tuổi Trẻ Sao TẠI ĐÂY

Tin tức đáng chú ý trên Tuổi Trẻ nhật báo ngày 15-8. Để đọc Tuổi Trẻ báo in phiên bản E-paper, mời bạn đăng ký Tuổi Trẻ Sao TẠI ĐÂY

Tin tức thời tiết ngày 15-8 - Đồ họa: NGỌC THÀNH

Tin tức thời tiết ngày 15-8 - Đồ họa: NGỌC THÀNH

Tin tức sáng 15-8: Bắt đầu áp dụng giá dịch vụ y tế theo yêu cầu, giá giường tối đa 4 triệu/ngày - Ảnh 5.
[ad_2] Nguồn: Tuổi trẻ https://tinytedanang.com/tin-tuc-sang-15-8-bat-dau-ap-dung-gia-dich-vu-y-te-theo-yeu-cau-gia-giuong-toi-da-4-trieu-ngay/?feed_id=11855&_unique_id=6508ebbfbb13b