Ngày 16-10, ngay sau khi Tuổi Trẻ Online đăng bài viết liên quan đến tố cáo Phòng khám đa khoa Nguyễn Trãi - Thủ Dầu Một (303 đại lộ Bình Dương, phường Chánh Nghĩa, TP Thủ Dầu Một) "vẽ bệnh, moi tiền", một nguồn tin đã cung cấp cho Tuổi Trẻ các hình ảnh, clip "bắt tại trận" xe của công ty (thuộc phòng khám) chở giấy tờ bệnh án và chai lọ rác thải y tế đốt, xả bậy.
"Thấy nhiều người đốt, tôi cũng đốt"!?
Khu vực đốt, xả bậy rác thải y tế được xác định sát bờ sông Sài Gòn, nằm trong khu tái định cư An Sơn (xã An Sơn, TP Thuận An, tỉnh Bình Dương). Clip "bắt quả tang" được ghi vào trưa 12-10, trong clip có chiếc xe bán tải biển số 61C-517.97, cùng hai người đàn ông, trong đó có một người Trung Quốc.
Khu vực này khá vắng vẻ, tuy vậy từ xa có thể thấy ngọn lửa kèm cột khói đen bốc lên. Khi bị một người dân ở khu vực này chất vấn sao đem rác ra đây đốt, một người trong nhóm này nói: "Thấy nhiều người đốt ở đây tôi cũng đốt", sau đó lên xe bỏ đi.
Trong nội dung clip này, có nhiều "phiếu điều trị" ghi tên bệnh nhân, tên bác sĩ chỉ định, dấu mộc "đã thu tiền" ghi Phòng khám đa khoa Nguyễn Trãi - Thủ Dầu Một.
Các loại giấy tờ khám bệnh chỉ thực hiện mới đây, vào tháng 9-2023. Ngoài ra, còn có rất nhiều hóa đơn xanh, đỏ thu tiền từ người bệnh.
Đặc biệt, trong một đám lửa đang cháy dữ dội có hàng trăm chai lọ thủy tinh đựng thuốc - đây được xác định là loại chất thải y tế nguy hại quy định tại điều 4 thông tư 20/2021/TT/-BYT.
"Các đối tượng này đã mang chất thải y tế ra đốt rất nhiều lần ở khu vực này, chai lọ giấy tờ vứt lăn lóc, khi cháy các lọ thủy tinh nổ văng nhiều miểng rơi xuống sông Sài Gòn. Các lần đốt xong là họ đi ngay, chúng tôi không kịp giữ lại" - người dân bức xúc nói.
Cũng theo phản ánh của người dân, chiều 16-10 có hai người đàn ông đến khu vực đốt rác thải và có các hành vi như cào đất chỗ đốt rác, đổ tất cả rác thải y tế đang đốt dở xuống sông Sài Gòn nhằm phi tang.
Giám đốc Sở Y tế Bình Dương: "Đổ rác thải y tế như thế rất nghiêm trọng"
Xác minh của Tuổi Trẻ Online cho thấy đơn vị đăng ký chiếc xe biển số 61C-517.97 này là Công ty TNHH một thành viên dịch vụ y tế Nguyễn Trãi - chi nhánh Thủ Dầu Một (địa chỉ 303 đại lộ Bình Dương, phường Chánh Nghĩa, TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương). Địa chỉ này cũng là địa chỉ của Phòng khám đa khoa Nguyễn Trãi - Thủ Dầu Một.
Lần theo số điện thoại trên hồ sơ đăng ký xe, chúng tôi liên hệ được với bà M.H., xưng là nhân viên hành chính nhân sự của Phòng khám đa khoa Nguyễn Trãi - Thủ Dầu Một. Bà này thừa nhận chiếc xe biển số 61C-517.97 là của Công ty TNHH một thành viên dịch vụ y tế Nguyễn Trãi - chi nhánh Thủ Dầu Một. "Xe đó là của công ty, lúc trước tôi có đi đăng ký giùm" - bà M.H. khẳng định.
Trước vấn đề xe của công ty chở giấy tờ bệnh án và chai lọ y tế đốt, xả bậy dọc sông Sài Gòn, bà M.H. nói: "Anh nói tôi mới biết, hiện tại chưa có một thông tin gì cả về đổ rác thải và sẽ báo cáo lại giám đốc". Bà này còn nói "chưa biết xuất phát từ đâu ra" và lý giải rằng có ký hợp đồng đơn vị thu gom xử lý rác thải.
Các nội dung nêu trên chiều cùng ngày, Tuổi Trẻ Online phản ánh tới ông Nguyễn Hồng Chương - giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương. Ông Chương đánh giá đây là "sự việc rất nghiêm trọng" và nói sẽ chỉ đạo Thanh tra Sở Y tế vào cuộc ngay, nếu đủ chứng cứ có thể xử lý hình sự.
Quảng cáo "giá mềm", chi phí "cắt cổ"
Sáng cùng ngày, Tuổi Trẻ Online phản ánh có 9 người bệnh cùng làm đơn gửi các cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương tố cáo Phòng khám đa khoa Nguyễn Trãi - Thủ Dầu Một cố tình "vẽ bệnh moi tiền".
Ông Nguyễn Hồng Chương - giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương - xác nhận đã tiếp nhận nhiều đơn của người bệnh tố cáo phòng khám này "vẽ bệnh moi tiền" và đã chỉ đạo Thanh tra Sở Y tế vào cuộc xác minh.
Trong số chín đơn tố cáo này, có đến bốn người bệnh nam cắt bao quy đầu, còn lại khám trĩ, tuyến mồ hôi, phá thai... Hầu hết các bệnh nhân đến Phòng khám đa khoa Nguyễn Trãi - Thủ Dầu Một đều thông qua "con đường" quảng cáo và được các "bác sĩ" tư vấn trên mạng.
Theo các bệnh nhân, trực tiếp khám và điều trị tại phòng khám này có bác sĩ người Trung Quốc lẫn bác sĩ Việt. Tuy quảng cáo "giá mềm", nhưng khi đến khám bị "vẽ bệnh" và phải trả chi phí "cắt cổ" ngay trên giường bệnh.