Theo lời kể của gia đình, trước đó bé bị vật nhọn đâm vào ngón 2 ở bàn chân phải (vật nhọn không rõ loại), sau đó ngay chỗ vết thương có mưng mủ. Gia đình tự rạch mủ, băng chân cho bé và không chích ngừa uốn ván.
Tuy nhiên hai ngày sau, mặc dù vết thương ở chân đã khô nhưng em H. bắt đầu mệt mỏi, xuất hiện triệu chứng cứng hàm, khó nói, co cứng cơ vùng cổ rồi lan xuống vùng lưng và bụng… Gia đình có tự điều trị nhưng không giảm.
Gia đình đưa em đến Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ trong tình trạng cứng hàm nhiều, co gồng toàn thân. Tại bệnh viện, bệnh nhi có dấu hiệu suy hô hấp nặng, liên tục co gồng toàn thân… ê kíp trực cấp cứu đã khẩn trương đặt nội khí quản, chống co giật cho bé.
Tại khoa hồi sức tích cực - chống độc, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi bị uốn ván mức độ nặng, qua triệu chứng ban đầu và các xét nghiệm liên quan. Ngay lập tức, bé được điều trị cách ly tại phòng riêng nhằm hạn chế ánh sáng và tiếng ồn cũng như các kích thích từ bên ngoài.
Bệnh nhi được tiếp tục thở máy, chỉ định tiêm huyết thanh kháng độc tố uốn ván, sử dụng an thần, chống co giật, giãn cơ, kháng sinh phổ rộng chống nhiễm trùng và nuôi ăn đường tĩnh mạch.
Sau gần một tháng điều trị và chăm sóc toàn diện, bệnh nhi đã tự thở được, giảm co gồng, tỉnh táo, phục hồi vận động gần như bình thường… và đã được xuất viện.
Qua trường hợp này, các bác sĩ cảnh báo không nên chủ quan với các vết thương hở, vết xước dù nhỏ nhất trên cơ thể trẻ. Bệnh uốn ván là bệnh truyền nhiễm do ngoại độc tố của vi khuẩn uốn ván phát triển tại vết thương trong điều kiện yếm khí. Khi bị các vết thương, vết xước có yếu tố nguy cơ nhiễm vi khuẩn, ngoài việc sơ cứu ngoài da, cần đến cơ sở y tế kiểm tra và tiêm ngừa uốn ván.