Tại sao uống liên tục nhiều nước lọc cũng có thể gây tử vong?

[ad_1]
Ảnh: fmchealth

Ảnh: fmchealth

Mới đây, Đài ABC News đưa tin một trường hợp hy hữu qua đời do ngộ độc nước của cô Ashley Summers, 35 tuổi, sống tại bang Indiana, Mỹ.

Anh Devon Miller, anh trai cô Summers, kể rằng trong buổi đi chơi với gia đình, cô Summers cảm thấy bị mất nước trầm trọng, cô đã uống gần 2 lít nước trong vòng 20 phút.

Nhận định về vấn đề này, bác sĩ Nguyễn Trọng Thủy, Trung tâm y học thể thao Starsmec, cho hay trạng thái của người phụ nữ này được gọi là hyponatremia, một tình trạng khi nồng độ sodium trong máu quá thấp (natri theo tiếng Latin mới gọi là natrium hay sodium).

Bác sĩ Thủy phân tích trong điều kiện bình thường, lượng natri (Na) trong máu là 135 - 145 mmol/L, ion này cùng tồn tại với Cl-, HCO3- chủ yếu ở dịch ngoại bào, có vai trò cân bằng nước và duy trì áp suất thẩm thấu cho dịch ngoại bào.

"Ngộ độc nước" có thể xảy ra khi bạn uống quá nhiều nước trong một khoảng thời gian ngắn, khiến nước pha loãng sodium trong cơ thể. Điều này gây ra một loạt triệu chứng như mệt mỏi, đau đầu, mất tập trung và trong trường hợp nghiêm trọng có thể dẫn đến hôn mê hoặc tử vong.

"Tuy nhiên, đây không phải là tình trạng phổ biến và thường chỉ xảy ra trong các hoàn cảnh cực kỳ hiếm hoi. 

Điều này có thể xảy ra sau các cuộc thi thể thao cường độ cao khi mọi người cố gắng bù đắp nước mất mát do mồ hôi mà không bổ sung đủ muối, hoặc uống một lượng nước lọc (nước trắng thường) quá lớn trong một thời gian ngắn khiến giảm mạnh nồng độ natri trong máu làm mất cân bằng điện giải trong máu một cách đột ngột", bác sĩ Thủy nói.

Theo bác sĩ Thủy, trong điều kiện bình thường, một ngày cơ thể cần trung bình 2-2,5 lít nước. Khi hoạt động thể chất, tùy theo mức độ, cơ thể tiết ra lượng mồ hôi tăng gấp nhiều lần.

Trong hai giờ trước khi vận động, nên uống 400-600ml nước và sau mỗi 15-20 phút uống khoảng 150-200ml nước. Nước lọc là thức uống tốt nhất, nên uống từ từ, từng ngụm nhỏ.

Bên cạnh đó, có thể chọn nước uống thể thao với lượng calo, kali và các chất dinh dưỡng khác có chứa năng lượng và chất điện giải giúp thời gian tập luyện dài hơn. Nước oresol, đường glucose hay vitamin C, nước trái cây... cũng đều rất tốt cho cơ thể.

Hạn chế đồ uống chứa cồn như rượu, bia cùng nhiều loại đồ uống có gas như nước ngọt bởi chúng dễ làm tăng nhiệt, không những dễ gây mất nước mà còn khiến cổ họng bỏng rát, cơ thể khó chịu.

[ad_2] Nguồn: Tuổi trẻ https://tinytedanang.com/tai-sao-uong-lien-tuc-nhieu-nuoc-loc-cung-co-the-gay-tu-vong/?feed_id=34988&_unique_id=66414b0dbd0c8