Mang đến nụ cười nhân lên niềm vui sống

[ad_1]

Tại Bệnh viện Đại học Y Dược Buôn Ma Thuột, những đứa trẻ dị tật môi,vòm miệng được ba mẹ đưa đến đây từ rất sớm. Trong sự hồi hộp và lo lắng, nhiều bà mẹ rưng rưng: “ May mắn được những tấm lòng nhân ái phẫu thuật “hàn gắn” lại nụ cười, con chúng tôi sẽ hoà nhập, tìm lại được nhiều niềm vui sống ” .

Mang đến nụ cười nhân lên niềm vui sống ảnh 1

Đại diện các gia đình nhận những phần quà ý nghĩa tại chương trình

Tại khu khám sàng lọc của Bệnh viện ĐH Y Dược Buôn Ma Thuột, chúng tôi được nghe nhiều câu chuyện của người thân các em bé chia sẻ với BSCKII. Võ Minh Thành, Giám đốc Bệnh viện ĐH Y Dược Buôn Ma Thuột. Khoảng 300 em bé có mặt tại chương trình, ngoài những gia đình trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, có nhiều gia đình từ các tỉnh Ninh Thuận, Khánh Hoà... đưa con đến đây chỉ để mong chờ hôm nay con mình chính thức bước vào chặng đường tìm lại nụ cười. Những bà mẹ ấy nói trong cảm xúc: “Chúng tôi chỉ có một ước mong duy nhất là cho con có nụ cười vẹn nguyên”.

Mang đến nụ cười nhân lên niềm vui sống ảnh 2

BSCKII. Võ Minh Thành, Giám đốc Bệnh viện ĐH Y Dược Buôn Ma Thuột động viên các bé và người thân

Vị bác sĩ ấy cảm nhận điều mà những người mẹ, người cha tại đây sợ nhất có lẽ là khi con nhận thức được những khiếm khuyết trên khuôn mặt của chính mình. Ánh mắt ngây thơ trong veo, bàn tay nhỏ xinh các bé bám lấy cha mẹ khi các bác sĩ khám sàng lọc. Ông ân cần hỏi han, động viên các gia đình, giờ đây, các em cần được đón nhận những món quà theo đúng nghĩa. Sau lời động viên của vị Giám đốc bệnh viện, trong ánh mắt lo lắng của những người làm cha, làm mẹ ánh lên niềm hy vọng và hạnh phúc.

Cuộc nói chuyện với chị Vi Thị Lan (trú xã Krông Nô, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk) tại khu khám sàng lọc Bệnh viện ĐH Y Dược Buôn Ma Thuột, kéo chúng tôi vào sự hồi hộp chờ đợi giờ phút bé được phẫu thuật.

Mang đến nụ cười nhân lên niềm vui sống ảnh 3

Nhiều gia đình ở nhiều tỉnh như Khánh Hoà, Ninh Thuận...đưa con tới chương trình từ sớm

Chị Lan chia sẻ, vợ chồng chị có 2 người con, bé đầu khỏe mạnh bình thường. Bé thứ 2 khi 2 tháng tuổi không bú được, chị đưa con đi khám các bác sĩ kết luận cháu bị dị tật hở hàm ếch. Kinh tế khó khăn, vợ chồng chỉ trông chờ vào ít sào cà phê, lúa mì, không đủ kinh phí để con phẫu thuật. Nhìn con lớn lên từng ngày với khuyết tật mà anh chị xót xa. Chị âm thầm lên mạng tìm hiểu các chương trình thiện nguyện. Khi biết chương trình này đã được triển khai ở nhiều tỉnh trên cả nước, hy vọng trong chị được nhân lên. Từng ngày chị luôn dõi theo, khi đoàn đến Đắk Lắk , chị đăng ký ngay, nên hôm nay gia đình chị có mặt tại đây.

“Nhà cách thành phố Buôn Ma Thuột hơn 100km, vợ chồng tôi chở con đi từ tối qua, lên đây thuê phòng nghỉ qua đêm. Mong chờ lắm, tôi muốn đưa con đến chương trình thật sớm”, chị Lan bộc bạch.

Theo ông Phạm Phượng, Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và xã hội tỉnh đắk Lắk, hiện nay toàn tỉnh có khoảng 507.911 trẻ em, chiếm 26,7% dân số; có 4.875 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; có 100 % trẻ em thuộc diện hưởng trợ cấp xã hội theo nghị định 20/2021/NĐ - CP ngày 15/3/2021 của chính phủ.

Ông Phạm Phượng nhấn mạnh, từ năm 2014 đến nay, trải qua 7 năm liên tiếp Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh phối hợp với các đơn vị, tổ chức thực hiện khám và phẫu thuật thành công gần 1.000 trẻ em bị sứt môi- hở hàm ếch của tỉnh. Đây là chương trình có ý nghĩa thiết thực nhân văn sâu sắc đã đem lại nụ cười tươi vui cho trẻ em không may bị khuyết tật, giúp trẻ tự tin hoà nhập với cộng đồng. Phần nào giảm bớt khó khăn cho người dân nghèo và giúp trẻ em có được sức khoẻ tốt hơn.

Chương trình phẫu thuật nụ cười tổ chức khám sàng lọc cho khoảng 300 trẻ em từ 5 tháng tuổi và phẫu thuật chỉnh hình cho 100 trẻ. Chương trình được thực hiện từ ngày 27/10 đến ngày 31/10 tại Bệnh viện ĐH Y dược Buôn Ma Thuột.

P.V

[ad_2] Nguồn: Tien Phong https://tinytedanang.com/mang-den-nu-cuoi-nhan-len-niem-vui-song/?feed_id=39850&_unique_id=6686081b8e6c0