TPO - Qua rà soát, trên địa bàn tỉnh Cà Mau còn một số cơ sở khám, chữa bệnh công lập gặp khó khăn trong việc đảm bảo kinh phí hoạt động.
Ngày 26/10, thông tin từ Sở Y tế Cà Mau cho biết, đơn vị này vừa có báo cáo kết quả rà soát tình hình quản lý, sử dụng nguồn kinh phí và định mức phân bổ cho khám, chữa bệnh theo tiêu chí giường bệnh.
Trong đó, có nêu một số khó khăn ở một số cơ sở khám, chữa bệnh công lập trong việc đảm bảo kinh phí hoạt động.
Theo đó, 3 đơn vị gặp khó khăn gồm: Bệnh viện Lao - Bệnh phổi tỉnh Cà Mau; Bệnh viện Đa khoa Năm Căn; Trung tâm Y tế huyện Phú Tân. Ba đơn vị này chỉ cân đối đủ chi trả lương và các hoạt động thường xuyên đến hết tháng 6/2023; còn 6 tháng cuối năm thiếu hụt nguồn chi trả lương và kinh phí hoạt động thường xuyên.
Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh Cà Mau thiếu hụt nguồn chi trả lương và kinh phí hoạt động thường xuyên những tháng cuối năm. |
Cụ thể, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh Cà Mau thiếu khoảng 2,2 tỷ đồng; Bệnh viện Đa khoa Năm Căn thiếu khoảng 3,2 tỷ đồng; Trung tâm Y tế huyện Phú Tân thiếu khoảng 4,2 tỷ đồng (chưa bao gồm chênh lệch tăng mức lương cơ sở từ 1,49 triệu đồng lên 1,8 triệu đồng).
Trước thực tế trên, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau có văn bản yêu cầu Sở Y tế khẩn trương kiểm tra thực tế tình hình quản lý thu, chi của các cơ sở y tế khám chữa bệnh công lập gặp khó khăn trong cân đối nguồn; từ đó xác định kinh phí từng đơn vị bị thiếu hụt, đề xuất ngân sách hỗ trợ và chịu trách nhiệm về số liệu đề xuất, gửi Sở Tài chính để thẩm định, tham mưu cấp thẩm quyền xem xét, hỗ trợ theo quy định.
Ngoài ra, Chủ tịch tỉnh Cà Mau cũng yêu cầu Sở Y tế khẩn trương rà soát, đánh giá chính xác dự toán thu, chi của các cơ sở khám chữa bệnh dự kiến tiếp tục gặp khó khăn trong cân đối thu, chi năm 2024 do các nguyên nhân khách quan; xác định kinh phí cần được hỗ trợ để đảm bảo hoạt động thường xuyên.
Theo UBND tỉnh Cà Mau, nguyên nhân khiến một số đơn vị trên gặp khó khăn trong việc đảm bảo kinh phí hoạt động là do số lượt bệnh đến khám và điều trị không đạt kế hoạch; chi phí khám, chữa bệnh BHYT của một số cơ sở y tế công lập từ năm 2018 đến năm 2020 chưa được cơ quan BHXH thanh toán.
Một số đơn vị xây dựng kế hoạch mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế chưa phù hợp; công tác quản lý, sử dụng tài chính – ngân sách còn lỏng lẻo, chưa chấp hành đúng chế độ, chính sách, tiêu chuẩn quy định,…