Nên ăn bao nhiêu?
Theo bác sĩ Nguyễn Xuân Ninh - Trung tâm khám và tư vấn dinh dưỡng, Viện Y học ứng dụng Việt Nam, nội tạng động vật bao gồm: óc, tim, gan, thận (bầu dục), dạ dày, ruột (lòng heo)..., mang lại lượng calo tương đương như thịt nạc (từ 100-150 calo/100g).
Hàm lượng protein trong nội tạng động vật (trừ não và tủy) chiếm khoảng 16-22% trọng lượng. Phần lớn các loại nội tạng đều chứa nhiều chất đạm, chất béo, vitamin A cung cấp nhiều sắt giúp chống thiếu máu thiếu sắt, tăng cường sức đề kháng.
Trẻ em, phụ nữ có thai, cho con bú, người thiếu máu thiếu sắt, thanh thiếu niên và người trẻ tuổi nên ăn các loại nội tạng, nhưng chỉ ăn vừa phải, mỗi tuần ăn 2 - 3 lần. Người lớn ăn 50 - 70g mỗi bữa, còn trẻ em chỉ ăn từ 30 - 50g/bữa.
"Dù nội tạng tốt với một số đối tượng kể trên, nhưng lại không tốt với một số đối tượng do có nhiều cholesterol. Những người cao tuổi, người mắc các bệnh rối loạn chuyển hóa: tăng cholesterol máu, xơ vữa động mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh gút, bệnh thận, người thừa cân - béo phì, người bị bệnh tim mạch thì không nên ăn nội tạng động vật" - bác sĩ Nguyễn Xuân Ninh khuyến cáo.
Không ít người quan niệm "ăn gì bổ nấy". Theo bác sĩ Ninh, đó là quan niệm không đúng và không có cơ sở khoa học. Dưới đây là những phân tích của bác sĩ Ninh:
Ăn óc không bổ óc, hết đau đầu
Trong óc động vật giàu niacin, phosphorus, B12 và vitamin C tốt cho sức khỏe nhưng cần ăn có liều lượng bởi óc nhiều cholesterol.
Nhiều người tưởng rằng ăn óc bổ óc nên hay mua cho trẻ nhỏ ăn hoặc ăn óc để đỡ đau đầu. Tuy nhiên, đây là suy nghĩ không đúng.
Trong óc heo (lợn) có hàm lượng chất đạm thấp chỉ bằng một nửa gan hoặc thịt, cá, nhưng hàm lượng cholesterol gấp nhiều lần các loại thực phẩm khác. Một ngày mỗi người chỉ nên ăn khoảng 250 - 300mg cholesterol nhưng nếu ăn 100g óc lợn thì lượng cholesterol nạp vào sẽ cao gấp 8 lần nhu cầu hằng ngày.
Nếu những người đau đầu mà nguyên nhân do huyết áp tăng thì việc ăn óc là điều rất nguy hiểm.
Đối với trẻ em, muốn phát triển trí não cần cholesterol và cả chất đạm. Không phải cứ cho trẻ ăn óc lợn nhiều sẽ giúp trẻ thông minh hơn. Nếu ăn quá nhiều óc lợn có thể gây thừa cân - béo phì, ảnh hưởng đến phát triển trí não trẻ.
Ăn tim không... bổ tim
Trong số các loại nội tạng, tim là bộ phận có nhiều lợi ích cho sức khỏe hơn cả. Tim có hàm lượng natri thấp và rất nhiều chất sắt. Có thể sử dụng tim như một loại thịt khi chế biến món ăn.
Tuy nhiên, trong tim có nhiều cholesterol. Suy nghĩ ăn tim bổ tim là không đúng. Người bị bệnh tim mạch thường kèm theo tăng huyết áp, xơ vữa động mạch. Nếu ăn nhiều tim sẽ làm cholesterol máu tăng cao rất nguy hiểm.
Ăn gan không bổ gan
Gan tốt cho trẻ em, nhất là đối với trẻ bị thiếu máu và suy dinh dưỡng. Gan là loại thực phẩm giàu dinh dưỡng, có độ đạm cao. Trong 100g gan lợn có 18,9g đạm.
Bên cạnh đó, gan còn chứa vitamin A, B, C, D cùng axit folic, axit nicotinic cần thiết cho cơ thể, giúp phòng ngừa bệnh thiếu máu, mù màu, còi xương, tăng cường miễn dịch.
Lượng vitamin A trong gan cao hơn nhiều so với sữa, trứng, thịt, cá. Trong 100g gan gà có 6.960mcg vitamin A, trong gan lợn là 6.000mcg, trong gan bò có 5.000mcg.
Gan cũng đứng đầu về hàm lượng chất sắt với tỉ lệ tương ứng trong 100g đối với mỗi loại là 12g, 9g, 8g. Do đó, những người thiếu máu hay suy nhược nên ăn loại thực phẩm này với mức độ hợp lý.
Tuy nhiên, gan lại có lượng cholesterol cao nên nếu ăn quá nhiều có thể gây hại cho sức khỏe. Đối với những người bị bệnh gan, tăng mỡ máu thì không nên ăn nhiều gan vì gan chứa nhiều mỡ. Trong 100g gan gà, vịt, lợn chứa lượng cholesterol tương ứng là 440mg, 400mg, 300mg.
Nên chọn gan từ động vật khỏe mạnh, không mắc bệnh. Gan động vật chăn nuôi không vệ sinh hoặc ăn thức ăn chăn nuôi nhiễm nấm mốc sẽ có nguy cơ nhiễm độc tố vi nấm aflatoxin. Độc tố vi nấm aflatoxin có khả năng gây ung thư gan ở người.
Khi mua nên chọn loại gan còn tươi, ấn vào mặt gan còn đàn hồi tốt, bề mặt nhẵn không có nốt sần cục, màu đỏ tươi sẫm; không mua các loại gan có màu vàng hoặc tím sẫm, có mùi hôi.
Khi mua về cắt lát mỏng rửa sạch bằng nước lạnh rồi lấy giấy ăn thấm khô hết máu ứ trong gan để loại bỏ các chất độc có trong máu ở gan.
Ăn tiết không bổ máu
Tuyệt đối không ăn tiết canh, tiết chưa được nấu chín. Nhiều người cho rằng tiết canh mát nhưng xin khẳng định, tiết canh thực chất là máu sống, chưa được đun sôi và có thể truyền các bệnh giun, sán, liên cầu khuẩn lợn... gây bệnh cho người ăn và có thể khiến tử vong.
Tiết canh cũng không có tính mát hay có tác dụng chữa bệnh theo Đông y. Sở dĩ mọi người cho tiết canh là mát bởi khi ăn có cảm giác mát trong miệng mà thôi.
Trong tiết nấu chín cũng có rất nhiều chất dinh dưỡng như protein, sắt và các loại vitamin... Mỗi 100g tiết lợn chứa 16g protein, cao hơn protein trong thịt bò và thịt lợn. Tiết lợn là nguồn bổ sung sắt tự nhiên, giúp phòng ngừa các bệnh thiếu sắt trong máu, bệnh tim mạch, tắc mạch ở người cao tuổi, trẻ nhỏ và phụ nữ có thai.
Đồng thời, tiết lợn cũng là nguồn cung cấp vitamin K giúp thúc đẩy máu đông hiệu quả trong những trường hợp cần thiết.
Tiết lợn nấu chín tuy tốt nhưng không nên ăn quá nhiều cùng lúc, vì tiết lợn giàu chất sắt. Cơ thể con người khó có thể hấp thụ nhiều sắt trong khoảng thời gian ngắn. Nếu lượng sắt nạp vào quá nhiều cùng lúc có thể dẫn tới nôn mửa, đau dạ dày…
Chỉ nên ăn tiết lợn một lần một tuần hoặc 2-3 lần trong một tháng. Lưu ý, nên chọn tiết lợn có màu đỏ, tươi mới. Khi tiết có màu sắc, mùi khác lạ thì tuyệt đối không nên ăn. Đặc biệt, với những trường hợp lợn bị ốm chết thì kể cả nấu chín cũng không được ăn.
Ăn lòng không bổ ruột
Ở các quốc gia châu Âu, lòng của động vật nói chung và lòng lợn nói riêng thường được vứt bỏ hoặc làm thức ăn gia súc. Tuy nhiên, tại Việt Nam, lòng lợn lại là món ăn hấp dẫn đối với đàn ông.
Trong nội tạng, lòng là món ăn nghèo chất dinh dưỡng, khó tiêu hóa. Lòng chủ yếu có chất béo bão hòa và cholesterol. Trong 100g lòng lợn có khoảng 400mg cholesterol, ăn quá nhiều có thể gây ra dư thừa cholesterol, làm tăng nguy cơ xơ vữa động mạch, nhồi máu cơ tim và đột quỵ. Bởi vậy, người cao tuổi, người bị bệnh gút cần tránh ăn món này.
Ngoài ra, người mắc các bệnh rối loạn chuyển hóa như tăng cholesterol máu, xơ vữa động mạch, tăng huyết áp, tiểu đường, bệnh thận, người thừa cân - béo phì... cần hạn chế ăn lòng và tạng động vật.
Ăn lòng nếu không được làm sạch và làm chín kỹ có thể khiến người ăn bị nhiễm các vi khuẩn, ký sinh trùng, giun sán từ vật chủ là lợn. Ngoài ra, trong lòng của một số động vật có chứa vi khuẩn E.Coli và các vi khuẩn gây bệnh tiêu chảy, tả, lỵ, thương hàn.
Với những người khỏe mạnh chỉ nên ăn lòng 1-2 lần/tháng, mỗi lần từ 70-80g. Đảm bảo lòng đã làm sạch và nấu chín.
Tuyệt đối không ăn các loại lòng không rõ nguồn gốc xuất xứ, dễ có những chất bảo quản hoặc tẩy rửa bằng hóa chất không tốt cho sức khỏe.