TP - Ngày 8/1, BS Phan Văn Thành, khoa Hồi sức Tích cực Chống độc, Bệnh viện Thống Nhất TPHCM cho biết, tại đây vừa tiếp nhận và kịp thời cứu sống một trường hợp bị sốc phản vệ nặng sau khi tiêm vắc xin ngừa bệnh dại, huyết thanh kháng dại và vắc xin ngừa uốn ván.
Bệnh nhân bị nổi mẩn đỏ, phù toàn thân, sốc phản vệ độ 3 sau tiêm vắc xin. Ảnh: BVCC |
Bệnh nhân là bà L.T.T (46 tuổi, ngụ tại thành phố Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng). Ngày 1/1/2024 bà T. về quê ở Yên Định, Thanh Hóa chơi thì bị chó nhà hàng xóm cắn vào cẳng chân trái. Lo ngại nguy cơ nhiễm bệnh dại nên bệnh nhân đã đến tiêm ngừa tại cơ sở y tế của địa phương. Bệnh nhân đã được tiêm cùng lúc 3 loại gồm: vắc xin ngừa bệnh dại, huyết thanh kháng dại và vắc xin ngừa uốn ván.
Khoảng 2 giờ sau khi được tiêm ngừa, bệnh nhân có biểu hiện nổi mẩn đỏ, phù mặt. Ngày 2/1 bệnh nhân đã bay từ Thanh Hóa vào TPHCM. Ngay sau khi chuyến bay hạ cánh vào chiều cùng ngày, người bệnh có diễn tiến nặng, toàn thân bị phù, nổi mẩn đỏ, tụt huyết áp phải chuyển đến Bệnh viện Thống Nhất cấp cứu. Sau khi được bác sĩ chẩn đoán bị sốc phản vệ độ 3, bệnh nhân được chuyển đến khoa hồi sức điều trị.
Sau 3 ngày điều trị, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân dần cải thiện, đủ điều kiện xuất viện.
Theo BS Phan Văn Thành, trường hợp trên khó có thể xác định chính xác nguyên nhân phản vệ là do loại vắc xin nào bởi bệnh nhân sử dụng cùng lúc 3 loại. Tuy nhiên, vắc xin bị nghi ngờ nhiều nhất là uốn ván. Trước đó, bệnh viện đã từng tiếp nhận một số trường hợp phản vệ sau tiêm vắc xin ngừa uốn ván.
Những người không may bị chó mèo mắc bệnh dại cắn nếu không tiêm ngừa sẽ phát bệnh, tỷ lệ tử vong lên tới 100%. BS Phan Văn Thành khuyến cáo, việc tiêm ngừa sau khi bị chó mèo cắn là giải pháp cần thiết để bảo vệ cơ thể trước nguy cơ nhiễm bệnh. Sau tiêm ngừa vắc xin, người bệnh cần theo dõi sát tình trạng sức khỏe, không nên di chuyển xa, bởi nếu chẳng may xuất hiện các dấu hiệu bất thường, bị phản vệ không được nhập viện kịp thời sẽ có nguy cơ đe dọa tính mạng.