Ghi nhận của Tuổi Trẻ Online sáng 7-9 tại Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM), rất đông phụ huynh đưa trẻ đi khám mắt, trong đó chủ yếu là trẻ bị đau mắt đỏ. Phần lớn trẻ ở độ tuổi đi học, được nhà trường cho nghỉ học hoặc phụ huynh xin phép cho trẻ nghỉ học để đưa đi khám bệnh.
Theo thông báo từ Sở Y tế TP.HCM, hiện bệnh đau mắt đỏ tại TP.HCM đang có xu hướng tăng so với những tháng đầu năm. Đây cũng là thời điểm trẻ đến trường đi học trở lại sau kỳ nghỉ hè, khiến nhiều phụ huynh lo ngại hơn khi giao lưu, tiếp xúc với bạn bè nhiều hơn.
Có người còn lo ngại sẽ bị lây bệnh đau mắt đỏ nếu đứng đối diện hay nhìn vào mắt của người bệnh?
Giải đáp thắc mắc này, bác sĩ Nguyễn Đình Trung Chính - chuyên khoa mắt, khoa liên chuyên khoa Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) - khẳng định bệnh đau mắt đỏ không lây khi nhìn vào mắt người bệnh. Có thể do bệnh này dễ lây lan và phát bệnh nhanh nên còn có người nghĩ rằng bệnh cũng lây khi nhìn mắt người bệnh.
Theo đó, có nhiều nguyên nhân gây bệnh đau mắt đỏ, phổ biến nhất là do Adenovirus - tác nhân đáng lo ngại vì có thể lây lan nhanh trong cộng đồng.
Bệnh lây truyền qua nhiều cách, bao gồm tiếp xúc trực tiếp với người bệnh như nói chuyện, ôm hôn hoặc bắt tay. Dùng các vật dụng nhiễm mầm bệnh như: khăn mặt, chậu rửa mặt, gối, tay nắm cửa, nút bấm cầu thang, điện thoại, đồ chơi...
Nguồn nước nhiễm mầm bệnh như ao, hồ, hoặc bể bơi cũng có thể là nguồn lây truyền bệnh; và thói quen dụi mắt, đặt tay vào mũi hoặc miệng cũng làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh.
"Bệnh đau mắt đỏ lây qua đường tiếp xúc dịch tiết mắt người bệnh. Trong lớp có bé bị đau mắt đỏ sẽ có khả năng lây cho bé khác. Khi bé về gia đình thì có khả năng tiếp tục lây cho các thành viên trong gia đình", bác sĩ Chính nói.
Bác sĩ Chính nêu ra những dấu hiệu ban đầu của bệnh là mắt có cảm giác bị cộm, xốn, ngứa, đỏ nhẹ, đổ ghèn... Nếu mắt trẻ bị sưng, đỏ nhiều hơn cần đến bệnh viện có chuyên khoa mắt để được thăm khám. Phụ huynh chú ý dùng thuốc theo bác sĩ, không tự ý mua thuốc về dùng vì có thể làm thị lực trẻ xấu hơn.
Bên cạnh đó, cần cách ly người bệnh, hạn chế tiếp xúc và không dùng chung các vật dụng với người bệnh. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, vệ sinh và không đưa tay dụi vào mắt, mũi, miệng. Khi người bệnh khỏi hoàn toàn mới được quay trở lại học tập, làm việc.