Dạng đồ ăn nguy cơ gia tăng ung thư
GS.TS Nguyễn Bá Đức, nguyên giám đốc Bệnh viện K, cho biết khoảng 30% số trường hợp ung thư liên quan đến chế độ ăn. Bản thân thực phẩm không gây ung thư nhưng các chất bảo quản thực phẩm, các chất trung gian chuyển hóa và các chất sinh ra từ nấm mốc là nguyên nhân dẫn tới ung thư.
Chẳng hạn, trong rau cải hàm lượng nitrit chỉ ở dạng vết nhưng khi muối dưa thì hàm lượng nitrit tăng lên do quá trình vi sinh khử nitrat có trong rau thành nitrit. Khi dưa bị khú thì làm lượng nitrit tăng cao nhất.
Trong cơ thể các nitrit sẽ tác dụng với amin bậc 2 có trong một số thức ăn tạo thành hợp chất nitrosamin. Đây là chất gây ung thư mạnh trên thực nghiệm.
Benzopyrene được tạo ra khi thịt được nướng bằng than hoặc xông khói. Benzopyrene cũng được tạo ra khi rán thức ăn bằng dầu/mỡ đã sử dụng, gây ung thư. Để hạn chế nguy cơ ung thư từ benzopyrene, nên tránh nướng thức ăn khi lò còn khói và nên hạn chế ăn thức ăn nướng hoặc rán.
Nấm mốc aspergillus flavus thường có ở gạo và lạc bảo quản không tốt, tiết ra chất độc có tê aflatoxin gây ung thư gan. Chế độ ăn nhiều mì chính, ăn mặn cũng là yếu tố gây nguy cơ ung thư, đặc biệt là ung thư đường tiêu hóa.
Ngày nay người ta còn thấy mất cân bằng các thành phần trong chế độ ăn, nhiều chất béo quá làm tăng nguy cơ ung thư.
Một số loại thực phẩm mà ung thư "e ngại"
Cũng theo các bác sĩ, có một số loại thực phẩm ung thư "ngán ngẩm" khi đụng gặp. Nếu lựa chọn sử dụng hằng ngày có thể giúp chúng ta ngăn ngừa ung thư rất hiệu quả. Số này gồm:
- Các loại rau họ cải: bông cải xanh, súp lơ trắng, cải xoăn, cải thảo... chứa hàng loạt chất dinh dưỡng có lợi như carotenoid (beta-carotene, lutein, zeaxanthin); vitamin C, E, K (giúp làm sáng, khỏe); folate; và chất khoáng (mangan, đồng, magie, phospho). Isothiocyanates và sulforaphane trong súp lơ được khẳng định có tác dụng chống ung thư, điều hòa hệ tim mạch, cân bằng sản xuất glucose, tăng cường chức năng thải độc.
Loại ung thư "e ngại" với thực phẩm này có ung thư gan, phổi, dạ dày, đại trực tràng, vú và bàng quang.
Bên cạnh đó, cải bó xôi (rau chân vịt) rất giàu carotenoid, giúp loại bỏ gốc tự do ra khỏi cơ thể, mà gốc tự do chính là nguyên nhân hình thành nên các biến đổi sinh ung thư. Ba loại ung thư "kiêng nể" rau chân vịt đó là ung thư phổi, gan, tiền liệt tuyến.
- Tỏi: các hợp chất lưu huỳnh trong tỏi gây ra mùi đặc trưng, có thể khiến chúng ta không dễ chịu lắm nhưng chính nó là chất ngăn chặn các chất gây ung thư, tăng sửa chữa DNA của các tế bào, giảm khả năng sinh ra tế bào ung thư.
- Nho khô: rất giàu chất xơ, sắt, thúc đẩy lưu thông máu, ngăn ngừa hình thành các khối u trong cơ thể.
Cách ăn giảm nguy cơ ung thư
- Ăn nhiều rau và hoa quả tươi: Chú ý rau quả ăn hằng ngày phải tươi và càng đậm màu càng tốt (màu xanh đậm của rau, đỏ thẫm của cà chua, cà rốt...). Nên ăn rau quả tươi hoặc luộc sơ qua, hạn chế xào, rán...
- Cơm, bánh mì và các loại ngũ cốc khác nên nấu từ loại gạo sát không quá kỹ, bánh mì làm từ hạt lúa mì chưa rây, bánh mì đen càng tốt.
- Giảm chất béo: ăn thịt cá nạc là chính. Không nên ăn và xào rán thức ăn bằng mỡ động vật mà thay bằng dầu thực vật, nhưng cũng nên hạn chế càng ăn ít càng tốt.
- Dùng ít thức ăn ướp mặn: các thức ăn bảo quản lâu bằng cách hun khói, ướp muối, ngâm giấm đều không tốt cho cơ thể.
- Hạn chế uống rượu.
- Tự kiểm tra cân nặng của bản thân: nên có một chế độ ăn điều độ, tránh ăn uống quá mức hay lợi dụng tiệc tùng, bớt ăn thực phẩm béo nhiều đường, hạn chế các loại nước ngọt, bánh, kem... Nên định kỳ tự kiểm tra cân nặng 3 tháng 1 lần để điều chỉnh chế độ ăn và luyện tập phù hợp" - GS.TS Nguyễn Bá Đức khuyên.