Bệnh nhân mệt, sốt cao 2 ngày, không có các biểu hiện đau ngực, đái buốt… Tình trạng khó thở tăng dần.
Bệnh viện Đại học Y Hà Nội vừa tiếp nhận bệnh nhân (nam, 50 tuổi) tiền sử gout nhiều năm, được đưa vào khoa Cấp cứu và Hồi sức tích cực trong tình trạng sốt cao và khó thở dữ dội.
Trước đó, bệnh nhân mệt, sốt cao 2 ngày, không có các biểu hiện đau ngực, đái buốt… Tình trạng khó thở tăng dần.
Theo bác sĩ chẩn đoán ban đầu, bệnh nhân bị sốc nhiễm khuẩn, theo dõi nhiễm khuẩn huyết. Người bệnh được nhanh chóng xử trí truyền dịch, cấy máu, kháng sinh sớm, đặt ống nội khí quản, lấy máu và làm các xét nghiệm thăm dò. Tiên lượng ca bệnh rất nặng, các bác sĩ đã giải thích với gia đình về tình trạng cụ thể. Diễn biến tình trạng trụy tim mạch không đáp ứng vận mạch và hồi sức dịch, sau 2h vào viện thì ngừng tuần hoàn và cấp cứu sau 1h không tái lập, người bệnh tử vong.
(Ảnh minh họa).
Đây không phải là lần đầu tiên những trường hợp sốc nhiễm trùng nhiễm độc được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Nhưng với diễn biến nặng và tử vong khá đường đột như trường hợp người bệnh nói trên thì không những gia đình mà nhân viên y tế cũng thấy bất ngờ.
Sau đó 2 ngày, xét nghiệm cấy máu của bệnh nhân cho kết quả dương tính với vi khuẩn liên cầu lợn Streptococus suis.
Theo thông tin tổng hợp từ Cục Y tế dự phòng, bệnh do liên cầu lợn Streptococcus suis rất đa dạng bao gồm: viêm phổi, nhiễm khuẩn huyết, viêm màng não mủ. Những người bị bệnh nặng có thể tử vong do độc tố vi khuẩn gây sốc nhiễm khuẩn, viêm nội tâm mạc, suy đa tạng, nhiễm khuẩn huyết… Tỷ lệ tử vong có thể tới 7%.
Những người bị suy giảm miễn dịch và lợn bị suy giảm miễn dịch có nguy cơ mắc bệnh cao. Lợn mang vi khuẩn là nguồn lây nhiễm chính. Streptococcus suis có thể lây truyền qua người khi tiếp xúc với lợn bệnh hay lợn mang vi khuẩn qua các tổn thương nhỏ, trầy xước trên da của những người giết mổ, chế biến và ăn thịt lợn bệnh hay lợn mang vi khuẩn nấu không chín.
Hiện nay, chưa có bằng chứng bệnh liên cầu khuẩn có thể lây trực tiếp từ người sang người.
Vi khuẩn liên cầu lợn không khó điều trị, đáp ứng với nhiều kháng sinh thông thường. Tuy nhiên, một số đối tượng đặc biệt với thể trạng suy giảm miễn dịch thì diễn biến lâm sàng rầm rộ, nguy cơ tử vong cao. Rất nhiều biện pháp có thể phòng bệnh bao gồm: quản lý về nguồn cung cấp thịt lợn, an toàn trong chế biến thực phẩm từ thịt lợn và đặc biệt cần nâng cao nhận thức của người dân nên từ bỏ những món ăn có từ lâu nhưng lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm.
Nguồn: [Link nguồn]
Sau khi ăn tiết canh bê, 8 người dân ở Hà Tĩnh có dấu hiệu đau đầu, đau bụng phải nhập viện cấp cứu.
Theo TUẤN ANH ([Tên nguồn])